“Vòng tròn bất tử” bảo vệ chủ quyền trên đá Gạc Ma
Về phía Trung Quốc, sau khi chiếm hàng loạt bãi đá, vào đầu tháng 3-1988, chúng đã huy động lực lượng của hai hạm đội tiếp tục mở rộng lấn chiếm, tăng số tàu chiến từ 9 lên 12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu kéo và 1 xuồng đổ bộ lớn.
Trong khi đó, chúng ta chỉ có vài tàu vận tải và vận tải đổ bộ, không có pháo hạm, trên tàu đều chỉ mang lương thực, xi măng cốt thép và các cột bê tông đúc sẵn, chỉ có một số loại vũ khí cá nhân ít ỏi như tiểu liên AK, súng chống tăng B-40, B-41…
Trước khi đi, tất cả các chiến sĩ trên tàu, chủ yếu chỉ là công binh, đều được quán triệt là không nổ súng trước, nhằm tránh việc Bắc Kinh vu vạ là Việt Nam nổ súng tấn công khiêu khích trước. Mặc dù như thế nhưng quân xâm lược dã man đã đổi trắng thay đen, vu cáo tàu vận tải Việt Nam tấn công tàu chiến của họ!!!
Khi tàu ta thả neo ở Gạc Ma và Cô Lin chiều 13-3, 3 tàu Trung Quốc bắt đầu di chuyển đội hình áp sát đảo. Bên ta dùng xuồng vận tải chở vật liệu xây dựng xuống đảo, đồng thời một nhóm chiến sĩ gồm Trung úy Trần Văn Phương và 4 đồng chí khác nhận lệnh vào đảo cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền.
Sáng sớm ngày 14-3, khi tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người, do Trung úy Trần Văn Phương chỉ huy, cùng với khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ 4 tàu Trung Quốc chạy đến. Một tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát đảo, cách chừng 300m.
6h30 ngày 14-3, Trung Quốc thả xuồng máy chuyển khoảng 50 tên lính mang vũ khí lên Gạc Ma. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, có chỗ, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc.
Sau một hồi giằng co và uy hiếp tinh thần nhưng không uy hiếp được những chiến sĩ công binh chỉ có tay không và xà beng, cuốc xẻng, tên sĩ quan chỉ huy của Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh cho binh lính, rồi chĩa thẳng vào bụng Trung úy Phương bóp cò.
Pháo 37mm trên tàu chiến Trung Quốc bắn thẳng vào bộ đội công binh Việt Nam trên biển
|
Anh ngã xuống nhưng tay vẫn giữ chặt cán cờ tổ quốc và hô to hô: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Giữa vòng vây quân thù, binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay Trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất Lanh. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ.
Liền sau đó, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo, nhưng không phá được vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc của lính Việt Nam (sau này được mệnh danh là “Vòng tròn bất tử”) nên chúng rút về tàu rồi dùng pháo, súng máy bắn thẳng vào lính công binh của ta.
Đồng thời, tàu Trung Quốc dùng tất cả các loại hỏa lực, bao gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm cho tới pháo 76,2mmm, pháo 100mm, có cả dàn ống phóng rocket 12 nòng tấn công tàu HQ-604 và những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma.
Sau đợt pháo kích, Hải quân Trung Quốc cho xuồng đổ bộ xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt khiến lính Trung Quốc phải bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi trở về tàu.
Trung Quốc tiếp tục nã pháo từ xa, tàu 604 của Việt Nam không có pháo hạm nên không thể đánh trả, bị chúng bắn thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ đã hi sinh cùng tàu ở khu vực đá Gạc Ma.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét