Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

TÌM HIỂU VỀ ĐỘNG LỰC NGUYỄN TẤT THÀNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC


Sự kiện Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) một mình ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5 – 6 -1911, có ý nghĩa lịch sử lớn: Là mốc son đánh dấu sự kết thúc hơn 50 năm bế tắc công cuộc đấu tranh chông thực dân Pháp, cứu nước của ông cha, đồng thời khởi nguồn mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước ta, nổi bật là thời kỳ đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo ngày nay. Tìm hiểu những gì tác động như là động lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước góp phần không nhỏ làm sâu sắc thêm những ý nghĩa lịch sử đó.

Khi bàn về động lực Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước có thể nói đó chính là yêu cầu thực tiễn nóng bỏng đòi hỏi cấp thiết phải tìm ra một con đường cứu nước mới trước một thực tế đau xót là các cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đều lần lượt thất bại. Nguyễn Tất Thành là người sớm nhận thức được yêu cầu của thực tiễn đó trên cơ sở của những nguồn động lực nội sinh ở một bậc vĩ nhân được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử thời đó. Đó là lòng nồng nàn yêu nước đã được nâng lên thành khát vọng cứu nước, cứu dân; là truyền thống “một dân tộc độc lập và một quốc gia có chủ quyền” trong suốt chiều dài đấu tranh giữ nước của dân tộc; là những kinh nghiệm được đúc kết thành triết lý chiến thắng trong đấu tranh chống giặc của cha ông, là đạo hiếu của một người con được cha mẹ và gia đình đặt niềm tin tưởng…
Cuối năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Dưới ngọn cờ của giai câp phong kiến (1858 – 1896), nhân dân Việt Nam đã anh dũng chống trả quyết liệt bọn xâm lược với tinh thần “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực). Nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân thù, triều đình nhà Nguyễn, trong thì sợ nhân dân, ngoài thì bạc nhược trước kẻ thù, lúc đầu có sự chống cự yếu ớt, về sau đã từng bước đầu hàng để giữ lấy ngai vàng và lợi ích của hoàng tộc. Năm 1883, 1884, triều đình nhà Nguyễn lần lượt ký hàng ước với thực dân Pháp. Nước ta từ một nước độc lập có chủ quyền trờ thành nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự thống trị dã man, tàn bạo của thực dân Pháp. Nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc đã đứng lên khởi nghĩa chống Pháp rầm rộ trên khắp cả nước. Nhưng các cuộc khởi nghĩa này đều lần lượt bị thất bại vì chưa có một đường lối kháng chiến chống Pháp đúng đắn, lãnh đạo kháng chiến vẫn là các sĩ phu, văn thân còn mang nặng ý thức hệ phong kiến, tôn quân.
Sang đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta chuyển sang theo xu hướng dân chủ tư sản. Tiêu biểu là các phong trào Đông Du (1904 – 1908) do Phan Bội Châu lãnh đạo, phong trào Duy Tân (1907 – 1908) do Phan Chu Trinh lãnh đạo và phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907) do Nguyễn Quyền và Lương Văn Can lãnh đạo. Các phong trào này chưa lôi cuốc được mọi tầng lớp nhân dân vì tư tưởng dân chủ tư sản chưa có cơ sở xã hội vững chắc, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, con đẻ của chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của tư bản Pháp, còn ở trình độ tự phát nên chưa thể lãnh đạo được phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Do đó phong trào chỉ rộ lên được một thời gian ngắn rồi lần lượt bị đàn áp và thất bại. Đến đây, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng, cả dân tộc vẫn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, tưởng chừng như không có đường ra. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử ấy. Người đã sớm nhận thức rõ yêu cầu cấp bách là phải tìm ra được một con đường cứu nước mới chứ không thể theo lối mòn của các bậc tiền bối. Nhưng đó là con đường nào? Thì trong Người vẫn chưa có lời giải đáp.
Với tinh thần yêu nước, thương dân, được hun đúc bởi truyền thống yêu nước của dân tộc và những tấm gương sáng ngời của bà Trưng, bà Triệu, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, v.v…, Nguyễn Tất Thành đã hình thành quyết tâm phải tìm cho được con đường cứu nước mới đó.
Nguồn động lực đó ngày càng lớn dần ở Nguyễn Tất Thành. Ngay từ thủa thiếu thời, Người đã rất ham học những tinh túy của nền Nho học cổ truyền. Trí thông minh của Người thật đặc biệt, Người thường đặt ra những câu hỏi mới gắn với những hơi thở của cuộc sống đương thời, làm cho những thầy đồ nổi tiếng uyên bác cũng lúng túng, bất lực trước những câu hỏi của Người. Vì vậy Người thường chăm chú nghe những lời bàn luận về thời cuộc của những văn thân cùng thời với cha. Lời bàn của cụ Nghè (học vị của người đậu cử nhân Nho học) Nguyễn Quý Song: “Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”[1] đã góp phần quyết định việc Nguyễn Tất Thành chuyển từ học chữ Nho sang học chữ Pháp. Mùa thu năm 1905, Nguyễn Tất Thành vào học Trường tiểu học Pháp – Việt ở Vinh, rồi sau đó học tiếp chương trình này ở Trường Quốc học Huế vì phải theo cha – cụ Nguyễn Sinh Huy vào kinh nhậm chức. Tại trường tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ được sơn vào gỗ, gắn ở phía trên bảng đen “LIBERTÉ, EGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do, Bình đẳng, Bác ái). Người tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp 1789. Đối với Người, đó là những điều hoàn toàn mới lạ chưa thấy ở sách vở Nho học. Khi đó ở Nguyễn Tất Thành đã bộc lộ suy nghĩ khác thường muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ đó. Vì vậy Người càng để tâm tiếp thu những yếu tố tiến bộ của nền văn minh Pháp. Đặc biệt anh thường được theo cha đi thăm thú nhiều nơi trong nước, tìm hiểu nỗi khổ cực của đồng bào, những tội ác của thực dân Pháp và bè lũ quan lại tay sai, nhất là được tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, có tâm huyết cứu nước, cứu dân, được nghe những lời bàn luận của họ về con đường cứu nước. Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxtơrông về ý định xuất dương, Bác Hồ (tức Nguyễn Tất Thành) nói rõ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[2]… Những trăn trở đó thực sự đã là những động lực mới “thôi thúc mạnh mẽ ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”[3] của Nguyễn Tất Thành theo một con đường mới và Người đã quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước khi trạc tuổi 20.
Một ngày thu năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời Bình Định vào Nam ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi, Người đến thăm và từ biệt người cha thân yêu. Thấy Nguyễn Tất Thành đến tìm mình, cụ Nguyễn Sinh Huy đã nghiêm giọng với con: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì[4]. Là người hiểu sâu sắc về đạo hiếu, cụ Huy nghiêm giọng nói với Nguyễn Tất Thành như vậy là mong muốn Người nên vì đại nghĩa (đại hiếu ) mà quyết tâm ra đi “tìm nước”, chứ không nên bịn rịn, luẩn quẩn với chữ hiếu thông thường. Mong Nguyễn Tất Thành hoàn thành đại hiếu với cha như vậy cũng đồng nghĩa là trung với nước, hiếu với dân. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc đã ghi đậm sự kiện về sự chia tay của Nguyễn Trãi với cha là Nguyễn Phi Khanh. Năm 1406, nhà Minh ồ ạt sang xâm chiếm nước ta, bắt gần như toàn bộ triều đình nhà Hồ giải về Trung Quốc. Trong đám tù binh đó có Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi và Nguyễn Hùng cải trang theo cha sang Trung Quốc. Đến biên giới, Nguyễn Phi Khanh đã khuyên Nguyễn Trãi: Con là người có học, có tài “con nên trở về lập chí, rửa thẹn cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu, hà tất cứ phải vướng vít bên cạnh cha, để cho ngày tháng mòn mỏi mới là hiếu hay sao[5]. Là người thông hiểu truyền thống dân tộc nên cả cụ Nguyễn Sinh Huy và Nguyễn Tất Thành đều tường tận sự kiện lịch sử này. Vì vậy, lời dạy bảo đầy nghiêm khắc và tin tưởng của cụ Nguyễn Sinh Huy với Nguyễn Tất Thành cũng luôn là nguồn động lực lớn thôi thúc, động viên Nguyễn Tất Thành quyết tâm vượt biển cả sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Ngày 5 – 6 – 1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, xuống một tàu buôn Pháp Amiran Latusơ Tơrêvin đang cập cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), gặp thuyền trưởng Maixen và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Nghĩ đến cuộc hành trình lênh đênh trên biển hàng vạn dặm, Nguyễn Tất Thành không khỏi băn khoăn và quyết định bộc lộc tâm sự với một người bạn: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình thì thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm…, anh muốn đi với tôi không?
- Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?
- Đây, tiền đây… Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi.
Nguyễn Tất Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay của mình một cách tự tin và kiên quyết[6] một mình ra đi tìm đường cứu nước.
Sau gần 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao chông gai, thử thách, tù đầy, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước mới – con đường Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội (7 – 1920) và tổng thể những yếu tố cơ bản như là phương thức thực hiện thành công con đường ấy (1930) cũng như hoàn thiện những yếu tố đó vào năm đầu Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước nhà (1941)… Con đường cứu nước mới – con đường Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội cũng những yếu tố cơ bản để thực hiện thành công con đường đó như: Xác lập, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trên nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác – Lênin; xây dựng, củng cố vững chắc khối liên minh công – nông – trí làm nền tảng đại đoàn kết toàn dân; thực hiện mở rộng đoàn kết quốc tế; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; không ngừng củng cố và hoàn thiện Nhà nước dân chủ kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân và vì dân… đều là những quy luật giành và giữ vững nền độc lập dân tộc cũng như xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta.
Thực tiễn lịch sử từ năm 1930 cho đến nay đã chứng minh chân lý rằng: khi nào Đảng ta xa rời, dù ít dù nhiều, những điều mà Chủ tịch Hồ chí Minh đã dạy thì đều làm chậm bước tiến của cách mạng nước ta ở mức độ nhất định như thời kỳ những năm 1930 – 1936 và 1976 – 1986. Còn khi nào Đảng ta đi đúng và vận dụng sáng tạo đường lối của Người thì cách mạng nước ta ngày càng thắng lợi  rực rỡ hơn như thời kỳ 1941 – 1975 và thời kỳ đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay… Cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mãi mãi đồng hành cùng cách mạng Việt Nam.! 
                                                                                Trương Văn Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét